Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

GIÁO LÝ VỀ ĐỨC MẸ MARIA

II. LINH HỒN ĐỨC MẸ MARIA 
ĐƯỢC TRÀN ĐẦY CÁC TRỌN HẢO

A. ĐẦY ƠN PHÚC

151. Linh hồn Đức Mẹ Maria có được đầy tràn Ân Sủng ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu không?

Có. Linh hồn Đức Mẹ Maria được tràn đầy Ân Sủng ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu.

152. Trong giây phút hiện hữu đầu tiên, linh hồn Đức Mẹ Maria đã nhận được cấp độ nào?

Ngay giây phút đầu tiên hiện hữu, linh hồn Đức Mẹ Maria đã nhận được cấp độ Ân Sủng vượt hẳn cấp độ Ân Sủng vượt hẳn cấp độ Ân Sủng của toàn thể người lành khi mãn cuộc sống trần gian, và cấp độ Ân Sủng này chắc chắn còn vượt trên bất cứ vị thánh nào, cũng như tất cả các Thánh, kể cả các Thiên Thần trên Thiên đàng.

Nếu so sánh Ân Sủng đầu tiên của Đức Mẹ Maria, Mẹ Đấng Tạo Thành và các loài thụ tạo với Ân Sủng của tất cả các Thánh hợp lại, thì cũng giống như Mặt Trời đối với mỗi tia sáng, đại dương sánh với từng giọt nước vậy.

153. Ân Sủng đã ban cho Đức Mẹ Maria từ lúc đầu tiên hiện hữu có gia tăng suốt đời Người không?

Ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu, Ân Sủng Đức Mẹ Maria vẫn gia tăng mãi cho đến mãn đời trần gian của Mẹ, hoặc bằng liên tiếp thực hành các việc lành, hoặc bằng lãnh nhận Nhiệm tích như Nhiệm tích Thánh Thể.

154. Ân Sủng linh hồn Đức Mẹ Maria có thể gia tăng thế nào, nếu ngay từ giây phút hiện hữu đã đầy tràn rồi?

Ân Sủng linh hồn Đức Mẹ Maria có thể gia tăng liên tục, mặc dầu ngay từ giây phút hiện hữu đã được tràn đầy. Bởi vì Ân Sủng càng tăng trưởng trong Đức Mẹ thì dung lượng lãnh nhận của Mẹ cũng gia tăng.

155. Sách Giáo Lý Công Giáo mới, có đề cập đến việc tràn đầy Ân Sủng nơi Đức Mẹ không?

Trong hai số 490 và 492, Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã đề cập tới vấn đề đó.

“Để làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa ban cho những hồng ân cân xứng với chức vụ lớn lao như thế (Lumen Gentium 56).

“Lúc truyền tin, Sứ Thần Gabriel đã chào Mẹ” “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1:28). Đúng thế, để có thể bày tỏ sự ưng nhuận tự do của niềm tin đối với ơn gọi của mình. Đức Mẹ Maria đã được Ân Sủng Thiên Chúa hoàn toàn nâng đỡ”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 490)

“Sự thánh thiện rạng ngời và hoàn toàn tuyệt đối” đã được ban cho Đức Mẹ ngay từ lúc mới thụ thai” (Lumen Gentium 56) là hoàn toàn do Chúa Kitô: Đức Mẹ “đã được cứu chuộc các tuyệt vời nhờ vào công nhiệp của con Mẹ” (Lumen Gentium 53). Hơn bất cứ tạo vật nào khác, Mẹ đã được Thiên Chúa “chúc phúc bằng tất cả mọi phúc lành thiêng liêng trên trời trong Đức Kitô; cũng trong Đức Kitô, từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria để làm người thánh thiện tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 492)

B. CÁC NHÂN ĐỨC ĐỨC MẸ MARIA

156. Đức Trinh Nữ Maria cũng được tràn đầy các Nhân Đức, Ân Huệ, Hạnh Phúc và Hoa Quả Chúa Thánh Linh ư?

Đúng như vậy, Đức Trinh Nữ Maria cũng được tràn đầy các Nhân Đức, Ân Huệ, Hạnh phúc và Hoa Quả Chúa Thánh Linh, vì tất cả đã hợp thành đoàn tùy tùng của Ân Sủng mà Đức Mẹ Maria đã lãnh nhận tràn đầy.

157. Đức Trinh Nữ Maria có những nhân đức nào?

Đức Trinh Nữ Maria cũng chiếm thủ một cao độ siêu việt về mọi nhân đức sướng hợp vời địa vị của Mẹ, nghĩa là các Nhân Đức Đối Thần quen gọi là Thần Đức, các Nhân Đức Luân Lý, quen gọi là Luân Đức và các Nhân Đức khác nối tiếp.

Từ xưa đến nay, các nhà Tu đức thường quy tụ 12 Nhân Đức kết thành 12 ngôi sao đính vào triều thiên Đức Mẹ, theo mặc khải của Thánh Sử Gioan (Rev 12:1). Các Nhân Đức đó theo như sau:

1. Tin 2. Cậy 3. Mến 4. Khôn ngoan 5. Công Bằng 6. Đại Đảm 7. Tiết Độ 8. Khiêm Nhượng 9. Tuân Phục 10. Trinh Khiết 11. Khó Nghèo 12. Đơn Sơ.

Quen gọi là 12 Nhân Đức của Đức Mẹ.

C. ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÀ CÁC ÂN HUỆ, 
HOA QUẢ CHÚA THÁNH LINH

158. Đức Trinh Nữ Maria được các Ân Huệ Chúa Thánh Linh ở cấp độ nào?

Đức Trinh Nữ Maria được các Ân Huệ Chúa Thánh Linh ở cấp độ cao vời, quen gọi đó là Bảy Ơn Chúa Thánh Thần: 1. Ơn Thượng Trí 2. Ơn thâm Hiểu 3. Ơn Minh Luận 4. Ơn Chỉ Giáo 5. Ơn Hùng Dũng 6. Ơn Sùng Hiếu 7. Ơn Úy Tình (Kính Sợ Thiên Chúa).

Chính bởi các tập quán siêu nhiên này mà linh hồn Đức Mẹ Maria đã trở nên ngoan ngoãn với các linh ứng của Ân Sủng.

159. Đức Mẹ Maria có lãnh nhận các Hoa Quả của Chúa Thánh Linh không?

Có. Đức Mẹ Maria đã nhận Hoa Quả Chúa Thánh Linh như: Bác Ái (Love); Vui Mừng (Joy); Bình An (Peace); Kiên Nhẫn (Patience); Nhân Từ (Kindness); Tín Nhiệm (Trustfulness); Quảng Đại (Generosity); Hào Hiệp (Goodness); Dịu Dàng (Mildness); và Thanh Tịnh (Chastity) (Gal 5:22-23).

Nhờ những Hoa Trái này mà các hành vi nhân đức Đức Mẹ đã thực hiện, kèm theo sự ngọt ngào thiêng liêng, giống như sự dịu ngọt mà thân xác cảm thấy khi ăn những trái chín mọng.

D. HẠNH PHÚC, ĐOÀN SỦNG, KIẾN THỨC 
CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA

160. Đức Mẹ Maria có lãnh nhận được Tám Mối Phúc Thật (Beatitudes) của Chúa Thánh Thần không?

Có. Đức Trinh Nữ Maria đã lãnh nhận Tám Mối Phúc thật Chúa Thánh Thần với mội mức độ siệu việt, phát sinh từ tinh thần Nghèo, Hiền Lành, Khao khát sự Công chính, lòng thương người, tâm hồn trong sạch, lòng thương cảm các tội nhân và nhẫn nại chịu đựng mọi bách hại (Mt 5:34).

161. Đức Trinh Nữ Maria có được ơn Đoàn Sủng hoặc các ơn ban như không không?

Đức Trinh Nữ Maria cũng được ơn Đoàn Sủng hay còn gọi là các ơn ban như không. Đó là các ơn giảng dạy khôn ngoan, ơn thông minh, ơn đức tin, ơn chữa lành bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân biệt các tâm hồn, ơn nói được nhiều thứ tiếng và diễn giải được các thứ tiếng. (I Cor 12: 7-10)

Thánh Tôma dạy rằng: Đức Mẹ Maria có tất cả các ơn Đoàn Sủng này, và được ban cách nhưng không. Nhưng Mẹ chỉ sử dụng những ơn nào cần thiết cho địa vị của Mẹ và cho sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa.

162. Trí tuệ của Đức Trinh Nữ Maria được trao dồi bằng kiến thức nào?

Trí tuệ của Đức Trinh Nữ Maria chắc chắn được một kiến thức thủ đắc như các người khác, và hơn nữa còng có một kiến thức thiên phú tuyệt vời tương xứng với sứ mệnh của Đức Mẹ, và chắc chắn trong những trường hợp quan trọng hơn của cuộc sốn, bằng cách tạm thời, Đức Mẹ Maria cũng được kiến thức của các Phúc Nhân, nghĩa là được hưởng kiến trực tiếp bản thể Thiên Chúa, vì đặc ân này đã được ban cho các người khác, như ông Maisen và Thánh Phaolô, thì Thiên Chúa cũng có thể ban ơn ấy cho Đức Mẹ.

163. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo có đề cập đến các ơn Chúa Thánh Linh đã hoạt động nơi Đức Mẹ Maria không?

Có. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 721 đã nói rõ: “ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Tất Thánh của Thiên Chúa, Trọn Đời Đồng Trinh, là kiệt tác của sứ mệnh Chúa Con và Chúa Thánh Linh trong thời viên mãn. Lần đầu tiên trong chương trình ơn cứu độ và vì Đức Mẹ được Chúa Thánh Linh chuẩn bị trước, Thiên Chúa đã tìm được một chỗ ở, để Con của Ngài và Thánh Linh của Ngài có thể cư ngụ giữa loài người.

Theo ý nghĩa này, Thánh Truyền của Giáo Hội Công Giáo thường đọc được những bản văn tuyệt vời của Sách Khôn Ngoan trong tương quan với Đức Mẹ: Đức Mẹ Maria đã được ca tụng và trình bày trong phụng vụ như “Ngai Tòa Đấng Khôn Ngoan”.

Nơi Đức Mẹ Maria “những kỳ diệu của Thiên Chúa” bắt đầu được bày tỏ, những kỳ diệu mà Chúa Thánh Linh sắp thực hiện trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội”.

(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 721)

164. Chúa Thánh Linh đã chuẩn bị cho Đức Mẹ Maria như thế nào?

“Chúa Thánh Linh đã dùng Ân Sủng của Ngài để chuẩn bị cho Đức Mẹ Maria, Mẹ của Đấng có thân xác tràn đầy viên mãn Thần Tính (Col 2:9) phải được “Đầy Ơn Phúc”. Nhờ ơn nghĩa tinh tuyền, Đức Mẹ đã thụ thai Vô nhiễm như một tạo vật khiêm cung nhất, và có khả năng nhất, để đón nhận tặng phẩm vô cùng quý giá của Thiên Chúa Toàn Năng.

(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 722)

165. Chúa Thánh Linh đã thực hiện kế hoạch nhân hậu của Thiên Chúa Cha như thế nào nơi Đức Mẹ Maria?

“Nơi Đức Mẹ Maria, Chúa Thánh Linh đã thực hiện kế hoạch nhân hậu của Thiên Chúa Cha. Với ơn Chúa Thánh Linh, Đức Trinh Nữ Maria đã cưu mang, sinh hạ Con Thiên Chúa. Đức Trinh Khiết của Đức Mẹ đã trở thành sự sinh nở độc đáo trong lịch sử, nhờ quyền năng Chúa Thánh Linh và nhờ Đức Tinh của Mẹ”

(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 723)

166. Chúa Thánh Linh biểu lộ Chúa Giêsu Kitô nơi Đức Mẹ Maria bằng cách nào?

“Nơi Đức Mẹ Maria, Chúa Thánh Linh biểu lộ Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Cha, đã trở thành con riêng của Đức Trinh Nữ. Đức Mẹ Maria là bụi gai rực cháy của cuộc hiển linh cuối cùng. Tràn đầy Chúa Thánh Lin, Đức Mẹ Maria biểu lộ Ngôi Lời trong nhân tính xác phàm, đã chỉ cho các Mục đồng và Ba Vua nhận biết Ngôi Hai Thiên Chúa.(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 724)

167. Chúa Thánh Linh, nhờ Đức Mẹ Maria, đã cho con người được hiệp thông với Chúa Kitô như thế nào?

“Nhờ Đức Mẹ Maria, Chúa Thánh Linh bắt đầu cho con người được hiệp thông với Chúa Kitô, vì con người là đối tượng của tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa; và những người khiêm hạ luôn luôn là những người trước tiên đón nhận Chúa Kitô, như: các Mục đồng, các Đạo Sĩ cụ già Simêon và Anna, cặp tân hôn ở Cana, các Môn đệ đầu tiên”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 725)

168. Tại sao các thánh gọi Đức Trinh Nữ Maria là KHUÔN ĐỨC THÁNH NHÂN, là TÔN SƯ dạy đường trọn lành thánh thiện?

(Thành Thực Sùng Kinh số 219; The Marian Catechism số 104)

Thánh Louis Maria Monfort trích dẫn lời Thánh Augustinô xưng tụng Đức Mẹ Maria là “KHUÔN ĐÚC HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA” (Forma Dei). Thật ra, Đức Mẹ là “Khuôn Đúc nên các vị Thánh” Ai được diễm phúc đúc trong chính khuôn này, sẽ nên giống hình ảnh Chúa Giêsu. Chính trong khuôn Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã được đúc thành hình một nhânvật đặc biết là THIÊN CHÚA NHẬP THỂ nhờ quyền lực Chúa Thánh Linh. Và cũng chính Chúa Thánh Linh đã nhờ Khuôn Maria để đúc nên các vị Thánh.

Đức Mẹ Maria còn là VỊ TÔN SƯ dạy các Kitô hữu, nhất là Các linh hồn tận hiến, đường Trọn Lành Thánh Thiện. Suốt đời Mẹ đã luôn làm trọn thiên Ý với Đức Tin kiên vững và Đức Mến tròn đầy. Đức Mẹ chỉ sống cho Chúa Kitô và chỉ thược trọn về Chúa Kitô.

Vì thế, ai muốn sống đời trọn hảo theo Phúc Âm, muốn nên thánh theo lời mời gọi của Chúa, hãy cố gắng vào trường Maria, hãy chạy theo đến Tôn Sư Maria, vào Khuôn Đức của Mẹ Maria.

169. Đức Trinh Nữ Maria đã được những Đặc Ân nào liên quan đến thân thể?

Các Đặc Ân liên quan đến thân thể CỦA Đức Mẹ Maria gồm có:

1. Nguồn gốc quý tộc
2. Thân hình hoàn hảo
3. Sắc đẹp tuyệt vời

170. Thân thể Đức Trinh Nữ Maria có thuộc dòng quý tộc không?

Đúng rồi. Đức Mẹ Maria thược vào một trong những dòng quý tộc bậc nhất, vì cha mẹ Người xuất phát từ gốc hoàng tộc Đavít và thuộc dòng dõi tư tế Aaron (Lc 1:36). Trong huyết mạch Người, luân chuyển dòng máu quý phái của các Vua và các tư tế thuộc một dân tộc được tuyển chọn, vì thế Chúa Giêsu Kitô mới thuộc dòng tộc Đavít theo huyết nhục, như lời Kinh Thánh chứng minh: “Ngài là Con Vua Đavít” (Mt 1:1). Thánh Giuse chỉ là dưỡng phụ, không phải là Cha Chúa Kitô theo huyết nhục. (Xem Mary and Joseph, Their Lives và Times, của Denis OùShea, tr, 34)

171. Thân thể Đức Trinh Nữ Maria có toàn hảo không?

Thân thể Đức Mẹ Maria có một sắc thái rất hoàn hảo, vì Mẹ được hưởng một sự quân bình toàn hảo trong mọi thành phần của cơ thể. Bởi thế Đức Mẹ Maria không hề bị bệnh tật.

172. Thân thể Đức Trinh Nữ Maria có yêu kiều diễm lệ không?

Thân thể Đức Trinh Nữ Maria rất yêu kiều diễm lệ, một vẻ xinh đẹp ngây ngất đặc biệt, vì trong thân thể đó phản chiếu vẻ xán lạn của linh hồn.

Trong một thư riêng gửi cho Thánh Phaolô, Thánh Điônisiô Arêôpagitê (năm 50) sống đồng thời với Đức Mẹ Maria đã tả chân dung Đức Mẹ như sau:

“Nếu không được Đức Tin hướng dẫn trước, thì khi được diễm phúc chiêm ngưỡng tôn nhan và duyên dáng siêu phàm kín đáo, hòa với nhan sắc tuyết vời của Đức Trinh Nữ Maria, thì tôi đã tin chính Người là Chúa Tể Càn Khôn rồi. (Xem Epist, ad Paulum P.A.X. 812, Thành thực sùng kinh Mẹ Maria tr, 59)

173. Những Đặc Ân nào một trật liên quan tới cả xác và hồn Đức Mẹ Maria?

Những Đặc Ân liên quan một trật đến cả xác lẫn hồn Đức Trinh Nữ Maria gồm có hai:

1. Trinh Khiết Trọn Đời
2. Lên Trời cả Hồn Xác.

1. ĐỨC MẸ MARIA TRINH KHIẾT TRỌN ĐỜI

174. Đức Mẹ Maria có mãi mãi là Trinh Nữ không?

Đức Mẹ Maria đồng trinh toàn vẹn và trọn đời, có nghĩa là đồng trinh trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh hạ Chúa Giêsu và đồng trinh mãi mãi. Niềm tin này đã được Giáo Hội Công Giáo công nhận và tuyên bố thành Tín điều tại Công Đồng Chung Calceđônia năm 451 và Công Đồng Chung Constantinopoli II năm 553, đặc biệt nhất Công Đồng Latêranô do Đức Thánh Cha Martinô I triệu tập năm 649 đã tuyên bố:

“Nếu bất cứ ai không tuyên xưng Đức Mẹ Maria luôn luôn Đồng Trinh và Vô Nhiễm... đã chịu thai Ngôi Lời Thiên Chúa không bởi tinh dịch nam nhân, mà bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, đã sinh con vẫn còn trinh nguyên vẹn toàn mãi mãi, thì kẻ ấy bị lên án”. (Denzinger, 256)

Về sau, Đức Thánh Cha Phaolô IV trong Tông Huấn Quorumdam, công bố năm 1555, và Đức Thánh Cha Clementê VIII xác nhận lại năm 1603 trong Tông Thư Dominici Gregis, đã đồng thanh tuyên bố:

“Tất cả những ai nói rằng Đức Trinh Nữ Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa, vì thế không còn trinh nguyên toàn vẹn trước khi, trong khi và mãi mãi sau khi sinh Chúa Giêsu, đều là kẻ rối đạo”. (Denzinger 993)

175. Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội Công Giáo dạy thế nào về việc Đức Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh?

Sách Giáo Lý mới của Giáo Hội Công Giáo phổ biến năm 1993, có rất nhiều câu đề cập đến Đức Đồng Trinh Toàn Vẹn của Đức Mẹ Maria. Sau đây là những câu Giáo Lý quan hệ hơn cả:

* “Việc Giáo Hội đào sâu niềm tin về việc làm Mẹ mà vẫn Đồng Trinh của Đức Mẹ Maria đã dẫn đưa Giáo Hội tới chỗ tuyên xưng Đức Mẹ Maria thực sự và Trọn Đời Đồng Trinh (Xem Denzinger 427) cả trong việc sinh hạ Con Thiên Chúa làm Người (Xem Denzinger 291, 294, 427, 442v.v...).

Quả thật, việc sinh hạ Chúa Kitô “đã không làm giảm bớt mà còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Đức Mẹ” (Lumen Gentium 57)

“Phụng Vụ Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh: Aeparthenos”. (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 499)

* “Đức Mẹ Maria vẫn Trinh Khiết khi cưu mang Con, Trinh Khiết khi sinh Con, Trinh Khiết khi trông nom bễ ẵm Con, Trinh Khiết khi nuôi con bằng chính sữa mình, và Trinh Khiết mãi mãi (Thánh Augustinô 186,1). Với tất cả con người của Mẹ, Mẹ là Nữ Tỳ của Thiên Chúa” (Lc 1:38). (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 510)

176. Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse có tuyên khấn giữ trọn vẹn Đức Trinh Khiết không?

Đúng thế. Hai Đấng Thánh đã yêu nhau trong Chúa cách trọn hảo nên dù đã thành vợ chồng theo pháp luật, các Ngài đã đồng ý cùng nhau giữ trọn vẹn Đức Trinh Khiết.

Chúng ta biết được việc này nhờhai đoạn Thánh Kinh kể lại:

1. Khi sứ Thần Gabriel đến báo tin cho Đức Mẹ Maria sẽ trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai, tức thì Đức Mẹ trả lời: “Điều ấy xảy ra thế nào được vì tôi giữ Đức Trinh Khiết?” (Lc 1:34)

2. Thánh Giuse khi thấy Đức Mẹ bất ngờ có thai, đã có ý định bỏ Đức Maria các kính đáo (xem Mt 1:19).

177, Tại sao lại gọi Đức Trinh Khiết của Đức Mẹ Maria là biểu hiện sáng kiến của Thiên Chúa?

“Sự Trinh Khiết của Đức Mẹ Maria biểu hiện sáng kiến tuyệt đối của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa Giêsu chỉ có Thiên Chúa là Cha. Nhân tính mà Ngài nhận lấy không bao giờ làm Ngài xa Chúa Cha; dĩ nhiên Ngài là Con của Thiên Chúa Cha theo Thần Tính và cũng tự nhiên Ngài là Con Đức Mẹ theo Nhân Tính, nhưng đúng thực Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa nơi cả hai bản tính” (Công Đồng Fruli năm 796; Denzinger 619)

(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 503)

178. Tại sao gọi sự Trinh Khiết của Đức Mẹ Maria là dấu chỉ của Đức Tin?

“Đức Mẹ Maria trọn đời Đồng Trinh vì sự Trinh Khiết của Mẹ là dấu chỉ Đức Tin của Mẹ, Đức Tin không một nghi nan nào làm suy giảm (Lumen Gentium 63), và cũng là dấu chỉ sự Hiến Thân Trọn Vẹn của Mẹ cho Thiên Chúa (Xem ICor 7:34:35). Chính niềm tin của Mẹ đã làm cho Mẹ trở thành Mẹ Chúa Cứu Thế.

“Đức Mẹ Maria được diễm phúc vì nhận được niềm tin vào Chúa Kitô hơn là vì Mẹ cưu mang thân xác Chúa” (Thánh Augustinô).

(Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 506)

179. Những ai đã chối sự Trinh Khiết Toàn Vẹn và Trọn Đời của Đức Mẹ Maria?

Các Bè Rối sau đây đã chối không nhận Đức Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh:

* Bè rối Carpocrate (Thế kỷ II), Bè Cerinthus (cuối thế kỷ I) và bè rối Ebionitic (thế kỷ II-IV) phủ nhận sự Trinh Khiết của Đức Mẹ Maria trước khi sinh Chúa Giêsu.

* Bè Rối Jôvianô (Thế kỷ III và IV) chối sự Trinh Khiết của Đức Mẹ trong khi sinh Chúa Giêsu.

* Các bè rối Apollonaris (Thế kỷ III và IV không nhận Đức Mẹ Maria vẫn còn Trinh Khiết sau khi đã sinh hạ Chúa Giêsu.

180. Làm sao chứng minh được sự Trinh Khiết của Đức Mẹ Maria trước khi sinh hạ Chúa Giêsu?

Việc Đức Mẹ Maria Đồng Trinh trước khi sinh hạ Chúa Giêsu, đã được mặc khải một cách minh nhiên trong Thánh Kinh.

Về Cựu Ước: Tiên tri Isaia đã loan báo năm 740 trước Thiên Chúa giáng sinh: “Này đây, một Trinh Nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ một người con, đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7:14).

Về Tân Ước: Phúc âm theo thánh Mathêu đã quả quyết cách hiển nhiên Đức Mẹ Maria chịu thai khi còn trinh nguyên và do tác động Chúa Thánh Linh, khi Ngài thuật lại lời Thiên Thần giải thích cho Thánh Giuse, vì ông đang thắc mắc về việc Đức Trinh Nữ Maria có thai:

“Hỡi Giuse, đừng ngại nhận Maria làm bạn, vì Trinh Nữ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Linh” (Mt 1:20).